WordPress hiện đang là CMS số một trên thế giới, thậm chí chiếm đến 34% số lượng website đang hoạt động (theo thông tin của Thủ thuật Website). Với ưu điểm cài đặt nhanh, sử dụng dễ dàng, nhiều mẫu giao diện đẹp và hỗ trợ đa dạng nhu cầu nên WordPress trở thành sự lựa chọn hàng đầu cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngoài việc bạn chọn được 1 theme “lộng lẫy” cho website của mình, thì việc viết nội dung lên website ấy cũng cần phải chuẩn mực và chính xác. Do đó, để phát huy tối đa hiệu quả của WordPress, tôi sẽ chia sẻ 1 số kinh nghiệm cá nhân trong việc viết nội dung trong WordPress.
1. Định dạng phải “sạch”
Những bạn viết nội dung thông thường sẽ lựa chọn chương trình MS Word để viết nội dung ban đầu, sau khi chỉnh sửa sẽ copy vào WordPress. Tuy nhiên, đa số các bạn không biết rằng MS Word có những mã định dạng riêng, nên khi các bạn sử dụng thao tác thông thường là Ctrl + C, Ctrl + V sẽ vô tình copy luôn những mã định dạng đó vào trình soạn thảo của WordPress, phá vỡ định dạng chuẩn của website. Một trong những ví dụ dễ thấy nhất là trên MS Word các bạn sử dụng font Calibri, còn website thường sử dụng font Arial.
Định dạng “sạch” theo mình định nghĩa là nó không chứa những định dạng được tạo ra từ bất cứ trình soạn thảo nào khác ngoài WordPress. Để biết nội dung của mình có “sạch” hay không, bạn có thể kiểm tra bằng cách chọn các hiển thị Text như hình bên dưới.
Những phiên bản WordPress mới (bài viết này được viết trên phiên bản WordPress 4.1.2) đã có thể xóa định dạng từ MS Word, giữ lại format sạch nhất có thể. Tuy nhiên, không phải lúc nào WordPress cũng có khả năng tự xử lý nên tốt nhất chúng ta cần tự làm tốt nhất có thể. Sau đây là 1 vài kinh nghiệm của mình:
Cách tốt nhất là viết trực tiếp nội dung bằng trình soạn thảo của WordPress.
Nếu nội dung được viết sẵn trên MS Word hay các chương trình soạn thảo văn bản khác. Bạn hãy copy toàn bộ nội dung qua Notepad++ để xóa định dạng, sau đó copy vào WordPress.
Sử dụng thao tác Paste as Text (Ctrl + Shift + V)
Một cách đơn giản hơn và đa số là thành công, là sử dụng nút Clear Formatting của WordPress (hình cục tẩy hàng thứ 2).
2. Chuẩn hóa định dạng
Định dạng, ngoài việc phải “sạch” còn phải “chuẩn”, tức là bạn phải định nghĩa trước những thành phần xuất hiện trong nội dung: Tiêu đề, Tiêu đề con, nội dung thông thường, in đậm, in nghiêng, hình ảnh…
Với tiêu đề, tiêu đề con, bạn hãy sử dụng định dạng Heading 2 -> Heading 6 của WordPress. Việc này vừa mang tính thống nhất cho toàn bộ website, vừa hỗ trợ SEO. Tuyệt đối không sử dụng phương pháp của những bạn non kinh nghiệm: in đậm, tăng kích thước chữ, viết hoa toàn bộ hay tô màu.
Hình ảnh của WordPress hỗ trợ Canh trái, Canh giữa, Canh phải và viết Caption ngay bên trong chức năng chỉnh sửa hình.
Với những nội dung thông thường, không nên thêm bất cứ định dạng gì để giữ tính thống nhất cho toàn bộ website. Nếu muốn thay đổi định dạng chung ấy thì chúng ta sẽ sửa trong source code của website.
3. Featured Image (Hình đại diện)
Một bài viết cần phải có 1 tấm hình đại diện. Ở mỗi website sẽ có một kích thước hình đại diện “chuẩn” nhất, vừa vặn nhất đối với cấu trúc của website đó. Do đó, bạn nên chuẩn bị 1 hình ảnh vừa vặn với kích thước chuẩn để việc hiển thị được tốt nhất có thể.
WordPress hiển thị bằng theme, bạn chỉ cần tìm theme demo của website, mở một bài viết có hình đại diện và xem kích thước của tấm hình ấy là bao nhiêu. Sau đó bạn cứ làm hình đại diện cho những bài viết trong website của mình theo đúng kích thước ấy.
4. Sử dụng plugin SEO
WordPress SEO by Yoast là plugin hỗ trợ SEO ưu thích và tôi khuyến khích sử dụng. Nó rất đơn giản, và bạn có thể hiểu và sử dụng nó một cách dễ dàng bằng các tài liệu được chia sẻ rất nhiều trên internet. Ngày nay, SEO đã là 1 phần trong sự phát triển của website, do đó nếu bạn làm chuẩn SEO ngay từ đầu thì sau này mọi việc sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
5. Sử dụng Category & Tag
Việc sử dụng Category & Tag giúp bạn phân loại nội dung tốt hơn, dễ dàng gom nhóm nội dung và tra cứu sau này. Việc phân loại nội dung tốt sẽ giúp website trở nên rõ ràng, dễ theo dõi. Người đọc cũng tiện trong việc tìm kiếm nội dung cần xem.
6. Sử dụng 1 số plugin hỗ trợ định dạng
Một plugin mà tôi thích sử dụng để hỗ trợ đa dạng định dạng là Shortcodes Ultimate. Nó có sẵn rất nhiều định dạng đẹp như: dòng, cột, box, note, heading…. giúp chúng ta trình bày văn bản đẹp hơn, rõ ràng hơn, sinh động hơn.
7. Giảm kích thước hình ảnh
Một trang web cần phải “nhẹ nhất có thể” để mọi người nhanh chóng truy cập và đọc thông tin, và một trong những nguyên nhân gây chậm webiste là hình ảnh quá lớn. Do đó, trước khi upload hình lên website bạn cần chuẩn bị 1 số bước sau:
Giảm kích thước hình bằng đúng chiều ngang của khung văn bản (ví dụ trang web này là 615px).
Sử dụng chức năng Save for web (Ctrl + Alt + Shift + S) trong Phototshop để giảm dung lượng hình ảnh (giữ chất lượng khoảng 60% là tốt nhất)
Kết luận
Kinh nghiệm của cá nhân tôi là nếu mọi thứ được chuẩn hóa và chính xác ngay từ đầu thì càng về sau công việc càng thoải mái và nhanh chóng. Hãy thử tưởng tượng, nếu website sau khoảng vài năm không được chuẩn hóa, với khoảng 200-300 trang web cần phải thay đổi thì đó là một công việc quá sức mệt mỏi. Do đó, bạn hãy đọc kỹ bài viết này và note ra những việc cần làm cho website hình, hướng dẫn nhóm viết nội dung website làm đúng theo các nguyên tắc đề ra.
Nguồn: Thủ Thuật Marketing